Cả sân trường vỡ òa cảm xúc khi được nghe các cựu chiến binh kể lại lý do họ xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, trong chương trình Nói chuyện truyền thống 'Ngòi pháo Chín tháng Giêng'.
Sáng ngày 6.1, tại Trường THPT chuyên thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nơi khởi nguồn phong trào "Ba sẵn sàng" thế kỷ 20, đã diễn ra chương trình Nói chuyện truyền thống "Ngòi pháo Chín tháng Giêng".
Chương trình do T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên (9.1.1950 - 9.1.2025).
Khách mời của chương trình là các cựu chiến binh từng là những sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, gồm: trinh sát, nhà báo Phùng Huy Thịnh, nguyên trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325 bảo vệ thành cổ Quảng Trị; đại tá - tiến sĩ Đặng Đức Quy, chiến sĩ tham gia chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị năm 1972; nhạc sĩ Trương Quý Hải, chiến sĩ Sư đoàn 356 tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang (giai đoạn 1979 - 1989).
"Không ra trận là có lỗi với Tổ quốc, với nhân dân"
Chia sẻ về khí thế, khát vọng của mình khi xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, nhạc sĩ Trương Quý Hải kể: "Vào năm 1979, "tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới", tôi viết đơn tình nguyện đi bộ đội nhưng bị "đuổi về" vì ít tuổi quá, mới có khoảng 15 tuổi. Sau đó mấy năm, khi đang là sinh viên Đại học Mỏ tôi lại xung phong đi bộ đội, lúc đó chỉ thích đi bộ đội thôi, không thích làm gì cả".
Nhạc sĩ Trương Quý Hải chia sẻ tại chương trình
ẢNH: DƯƠNG TRIỀU
Ông Hải cũng cho biết, khi gặp các bạn học sinh, ông như nhìn thấy tuổi trẻ của mình và cho rằng các bạn trẻ bây giờ chính là thế hệ đặc biệt, thế hệ thứ 5 mà ông được gặp. "Thế hệ thứ nhất là kháng chiến chống Pháp giành độc lập; thế hệ thứ hai là kháng chiến chống Mỹ thống nhất non sông; thế hệ thứ ba là những người bảo vệ chủ quyền đất nước; thế hệ thứ tư là những người sống ở thời kỳ chuyển mình cùng đất nước (từ bao cấp chuyển sang đổi mới) và thế hệ thứ 5 là các bạn trẻ bây giờ - thế hệ vươn mình cùng đất nước", ông Hải bày tỏ.
Thông điệp của ông Hải đã khiến các bạn học sinh rất hào hứng và cả hội trường vỗ tay vang dội khi nghe người nhạc sĩ, chiến sĩ này chia sẻ.
Lý giải về khát vọng của bản thân và thanh niên, sinh viên thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đại tá Đặng Đức Quy cho biết, khi ấy thế hệ trẻ không bao giờ tính toán riêng tư. "Chúng tôi nghĩ rằng nếu ở lại trường học, mà không ra trận là có lỗi với Tổ quốc với nhân dân", ông Quy nhớ lại.
Đại tá Đặng Đức Quy kể về lý do xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ
ẢNH: DƯƠNG TRIỀU
Kể lại những ngày làm nhiệm vụ bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong mưa bom, bão đạn, ông Quy cho biết: "Khi ấy, một tiểu đoàn hy sinh 300 người, là biết cái giá của hòa bình đắt như thế nào. Tại sao phải hy sinh nhiều như thế? Bởi đằng sau sự hy sinh mới đi tới hòa bình, thống nhất đất nước", ông Quy chia sẻ.
Đồng thời, ông Quy cũng kể lại câu chuyện của bản thân khi đối mặt với sự gian khổ, nguy hiểm trong khi chiến đấu, để đưa ra bài học trong cuộc sống. "Lúc phải vượt qua sông, tôi không biết bơi, xác định mình sẽ chết, không còn khả năng bảo vệ tính mạng, nhưng vẫn cố gắng và đã tới được bờ. Sau này, trong cuộc sống, tôi đã luôn lấy đó là bài học, đó là khi tuyệt vọng nhưng có niềm tin, cố gắng, tự tin thì sẽ vượt qua", ông Quy đúc kết.
Truyền cảm hứng mạnh mẽ đến mỗi đoàn viên
Khi nghe các cựu chiến binh chia sẻ, các học sinh đã rất hào hứng và bày tỏ sự cảm phục. Bạn Trương Tuấn Đạt, học sinh lớp 12 Tin, Trường THPT chuyên ĐH Sư Phạm, xúc động cho biết: "Chương trình không chỉ là một sự kiện có ý nghĩa giáo dục truyền thống, giúp chúng em ôn lại những trang sử vàng chói lọi của phong trào học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam, mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến mỗi đoàn viên. Từ đó thôi thúc chúng em tiếp tục rèn luyện, phát triển bản thân, cống hiến cho cộng đồng, đất nước".
Các học sinh tham gia chương trình
ẢNH: DƯƠNG TRIỀU
Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Đức Nguyên, Phó trưởng ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, Ủy viên Ban Thư ký T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, nhấn mạnh: "T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam hy vọng rằng, tất cả chúng ta, những người may mắn được sinh ra và lớn lên khi đất nước ta hòa bình, độc lập, tự do được lắng nghe, chia sẻ với những chứng nhân lịch sử để có thể có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về sự hy sinh, sự quả cảm "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Anh Nguyễn Đức Nguyên phát biểu tại chương trình
ẢNH: DƯƠNG TRIỀU
Theo anh Nguyên, trong thời đại hòa bình, các học sinh, sinh viên vẫn có thể sẵn sàng - sẵn sàng cho những mục tiêu lớn lao của cuộc sống, sẵn sàng tiếp bước cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cống hiến hết mình trong công việc, trong học tập và đặc biệt là trong những hành động sáng tạo, đổi mới.
Nguồn: thanhnien.vn