Nam sinh Chuyên Sư phạm ẵm học bổng 7,8 tỷ với bài luận về Vật lý và âm nhạc
Ngày đăng: 22/07/2024
Tin tức CSP

Lê Bảo Duy kể việc áp dụng nguyên lý Vật lý vào việc tạo ra các âm thanh mới trong bài luận, chinh phục ngôi trường top 30 nước Mỹ.

Bảo Duy, lớp 12 Lý, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, trúng tuyển Đại học Bucknell ở bang Pennsylvania, với mức hỗ trợ tài chính khoảng 7,8 tỷ đồng. Gia đình Duy còn phải đóng khoảng 32.000 USD (hơn 770 triệu đồng) cho bốn năm học.

"Kết quả có ý nghĩa lớn, ghi nhận sự nỗ lực của em suốt thời gian qua", Duy chia sẻ.

Trước đó, Duy ứng tuyển tổng cộng 14 trường, riêng đợt sớm 7 trường nhưng đến 12/12, chưa trường nào báo tin. Sáng hôm đó, không thấy mail của Đại học Bucknell như thông báo, Duy sốt ruột gửi thư hỏi liệu mình có thiếu thông tin gì không thì bất ngờ nhận mail chúc mừng.

Lê Bảo Duy, lớp 12 chuyên Vật lý, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Duy nghĩ đến du học cách đây một năm, khi thi IELTS đạt 7.5. Được người thân động viên, em tiếp tục thi SAT và được 1.500/1.600 điểm. Nhận thấy các điều kiện về bài thi chuẩn hóa, hoạt động nghiên cứu và ngoại khóa đều đã có, em bắt tay vào làm hồ sơ.

"Em bắt đầu khá muộn nhưng may mắn đã vạch sẵn hướng đi từ trước nên không mất quá nhiều thời gian", Duy cho hay.

Duy nhìn nhận hồ sơ của mình đặc biệt ở chỗ ngoài thể hiện được thế mạnh về môn Vật lý, em còn cho thấy niềm đam mê với nhạc cụ.

Làm quen với piano từ tiểu học, Duy theo đuổi dòng nhạc cổ điển và được nghệ sĩ dương cầm Đặng Hữu Phúc dẫn dắt. Lên cấp ba, Duy có nhiều cơ hội đi biểu diễn bên ngoài; làm trưởng ban nhạc cụ câu lạc bộ âm nhạc của trường và tổ chức hai buổi hòa nhạc cùng với các học sinh trong trường.

Một lần, vì muốn đánh lại bài hát Bohemian Rhapsody - ca khúc kinh điển của ban nhạc Queen, nhưng chỉ có một cây đàn piano nên Duy nghĩ ra cách tạo ra âm thanh của các nhạc cụ khác. Chẳng hạn, Duy đập vào thành đàn để tạo ra âm thanh "bục bục" của tiếng trống, đè vào dây để khi đánh nghe sẽ rè rè giống nốt bass, kéo dây cho giống tiếng violin... Mỗi lần tạo ra một âm thanh mới, Duy ghi âm lại rồi ghép thành bản nhạc. Tổng cộng, Duy mất 4 tiếng.

"Nguyên lý Vật lý ở đây chủ yếu là sóng âm thanh", Duy nói, cho biết đã đưa câu chuyện này vào bài luận.

Đam mê với môn Vật lý, Duy tham gia dự án nghiên cứu về Nhà máy thủy điện Sơn La của một trường đại học, với vai trò trợ lý. Em hỗ trợ các anh chị sinh viên khảo sát nhà máy, tính toán cách sử dụng điện tối ưu nhất. Nhờ đó, em học được nhiều kiến thức và tiếp xúc với máy móc hiện đại.

Ở bài luận riêng, Duy giải thích lý do chọn ngành Kỹ thuật điện của Đại học Bucknell do được bố truyền cảm hứng. Duy thích quan sát bố sửa chữa và sáng chế đồ dùng trong nhà, nhiều lúc được bố cho làm cùng. Em kể có lần bị mất điện, bố tự chế ra một cái quạt chạy bằng ắc quy nên cả nhà không phải quạt tay. Duy nhận ra từ việc động não và có nền tảng vật lý, em hoàn toàn có thể sáng chế ra những thứ mình muốn dựa trên sáng tạo của bản thân.

"Việc này cuốn hút em và Vật lý là môn có tư duy giống như thế", Duy cho hay.

Khi đã xác định được ngành phù hợp, Duy tìm hiểu, biết Đại học Bucknell mạnh về ngành Kỹ thuật điện và có các giáo sư hàng đầu về tối ưu hóa năng lượng. Em muốn tiếp thu kiến thức và có cơ hội được cộng tác với họ.

"Trường cũng có sân khấu hòa nhạc lớn và em mơ ước được biểu diễn trên sân khấu này", Duy chia sẻ.

Biết tin học trò giành học bổng, cô Phương Thị Thúy Hằng, chủ nhiệm lớp 12 chuyên Lý, vui và tự hào. Dạy Duy từ năm lớp 10, cô Hằng chứng kiến sự nỗ lực, trưởng thành của em.

"Duy là học sinh giỏi toàn diện, chỉn chu, có tinh thần cầu tiến. Ở môn Vật lý, điểm trung bình học tập của bạn không dưới 9,8; có năm suýt soát 10 phẩy", cô Hằng nói, cho biết học trò từng hai lần giành giải khuyến khích môn Vật lý trong kỳ thi học sinh giỏi cấp Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ngoài ra, nam sinh có khả năng kết nối, lãnh đạo khi là trưởng ban nhạc cụ của câu lạc bộ âm nhạc.

Từ hành trình của mình, Duy cho rằng trình bày thật thà trong bài luận là cách tốt nhất gây ấn tượng với ban tuyển sinh. Nam sinh gợi ý ứng viên nên chọn ngành trước để thu gọn danh sách chọn trường. Khi đã biết định hướng, ứng viên cần xem trường nào mạnh về ngành muốn học, đọc kỹ chương trình và tìm hiểu môi trường hay văn hóa, hoạt động ở đó có phù hợp hay không.

"Hãy vào trường phù hợp với mình, không nhất thiết phải chọn trường có thứ hạng cao", Duy nói.