Vị Giáo sư này đã làm rạng danh Toán học Việt Nam với thành tích cao tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế.
Giáo sư Đinh Tiến Cường là 1 trong 10 người Việt đạt điểm tuyệt đối 42/42 tại Olympic Toán học quốc tế (IMO) sau 50 năm Việt Nam tham gia đấu trường này. Giáo sư sinh năm 1973, quê Hải Dương, trong một gia đình bố mẹ đều là nhà giáo. Ông đi học sớm 1 năm, sớm bộc lộ khả năng xuất sắc ở môn Toán.
Năm 1986, Đinh Tiến Cường đạt thủ khoa trong kỳ thi vào lớp 10 hệ THPT chuyên Toán của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nay là Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Tháng 7/1989, ông được chọn vào đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 30 tại Đức, cùng gần 300 thí sinh từ 42 quốc gia. Năm đó Đinh Tiến Cường mới 16 tuổi, đạt số điểm tuyệt đối 42/42, góp phần vào thành tích 2 Huy chương vàng đưa ĐT Việt Nam xếp vị trí thứ 9 toàn đoàn.
Đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế tại Đức, GS Đinh Tiến Cường đứng ngoài cùng bên trái (Ảnh: Chuyên Sư phạm Hà Nội)
Sau 1 năm học ngoại ngữ, Đinh Tiến Cường theo học ngành tin học Trường Đại học Tổng hợp Odessa ở Liên Xô cũ, sau đó chuyển sang Pháp để trở lại với toán học. Ban đầu ông dự định thi vào Trường Đại học Sư phạm Paris danh giá nhưng gặp khó khăn về ngoại ngữ, dẫn đến kết quả thi không tốt. Đinh Tiến Cường xếp thứ 12 trong khi trường chỉ tuyển bổ sung 8 sinh viên. Dù vậy ông vẫn được Hội đồng giám khảo đánh giá cao triển vọng, giới thiệu sang học Trường Đại học Marie Curie (Paris 6),
Đinh Tiến Cường chia sẻ, đây là một quyết định đúng đắn bởi ngành tin học những năm 90 vẫn còn rất mới mẻ, nghiên cứu toán học vẫn thích hợp với ông nhất. Paris là nơi tập trung nhiều nhà toán học nổi tiếng, vì vậy Đinh Tiến Cường cho biết ông có thuận lợi khi lựa chọn học tập và nghiên cứu tại đây.
Chỉ sau 1 năm học tại Trường Đại học Marie Curie, Đinh Tiến Cường tốt nghiệp Cử nhân và nhận học bổng 2 năm để hoàn thành chương trình Thạc sĩ. Dù vậy, ông cũng chỉ mất 1 năm để hoàn thành luận văn Thạc sĩ và 2 năm tiếp theo để bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ toán học. Luận văn được hội đồng đánh giá "Rất đáng tôn kính" (Mức 1: đáng tôn kính. Mức 2: Rất đáng tôn kính), theo báo Hải Dương.
Chân dung GS Đinh Tiến Cường
Năm 1998, khi đang giảng dạy tại Đại học Paris 11, ông được Bộ Giáo dục Cộng hòa Pháp phong hàm Phó Giáo sư. Đến năm 2005, Đinh Tiến Cường được phong hàm Giáo sư khi mới 32 tuổi và chuyển sang giảng dạy tại Viện toán học Jussieu (Institut de Mathématiques de Jussieu) của Trường Đại học Paris 6, một trong những trung tâm toán học uy tín trên thế giới.
Giáo sư Đinh Tiến Cường cho biết trong thời gian công tác tại Trường Paris 6, công việc chủ yếu của ông là giảng dạy và nghiên cứu. Ngoài ra ông còn tham gia tổ chức chương trình cao học, tổ chức seminar, hội nghị, giảng dạy cho Đại học Bách khoa Paris và làm việc cho các hội động khoa học hay các tạp chí Toán học. Năm 2007, giáo sư trở thành thành viên của Viện đại học Pháp (Institut Universitaire de France-IUF).
Các nghiên cứu của giáo sư Đinh Tiến Cường xoay quanh giải tích hàm nhiều biến và hệ động lực phức, với nhiều công trình được công bố trên các tạp chí hàng đầu của ngành toán học. Năm 2018 ông được mời thuyết trình với bài phát biểu Pluripotential Theory and Complex Dynamics in Higher Dimension tại Đại hội toán học quốc tế ở Rio (Brazil). Cũng trong năm 2018, Đinh Tiến Cường nhận giải Humboldt từ quỹ Alexander von Humboldt, một quỹ tài trợ nhằm thúc đẩy việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Giáo sư Đinh Tiến Cường hiện giảng dạy tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS), ngôi trường hàng đầu châu Á và thế giới. NUS xếp thứ 17 thế giới theo BXH Times Higher Education và thứ 8 thế giới, đứng đầu châu Á theo BXH QS năm 2025.
GS Đinh Tiến Cường tại Hội nghị toán học toàn quốc lần thứ X năm 2023. (Ảnh: Khoa Sư phạm, ĐH Hà Tĩnh)
Đinh Tiến Cường chia sẻ, ông rất quan tâm đến việc đào tạo các nhà khoa học và đội ngũ giảng viên đại học tại Việt Nam không chỉ riêng trong chuyên ngành Toán. Với vai trò thành viên Hội đồng Khoa học Viện toán Cao cấp Việt Nam, giáo sư thường xuyên về nước tham gia các Hội nghị, Hội thảo về Toán học. Năm 2023, ông dự và có báo cáo tại phiên toàn thể Hội nghị toán học toàn quốc lần thứ X tại Trường ĐH Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.
(Tổng hợp)